Y khí là một cái bình có bề ngoài rất đơn giản nhưng được thiết kế
rất đặc biệt, nó chứa đựng một triết lí sâu xa. Ngày xưa người ta hay
đặt gần bàn học của mình để tự răn đe, cổ vũ và nhắc nhớ bản thân.
Người xưa thật cao minh khi nghĩ ra được một kiệt tác như vậy. Y
khí này khác những cái bình khác ở chỗ nếu không có nước thì sẽ đứng
không vững, cứ nghiêng về một phía. Nếu đổ nước đầy vào sẽ bị lật nhào
nhưng khi cho nó chứa nước ở một mức độ vừa phải thì nó sẽ đứng vững
trên bàn.
Khổng Tử trong một chuyến châu du vô tình nhìn thấy cái bình và
biết được đặc điểm thú vị này nên lấy làm một bài học lớn cho các học
trò của mình. “ Cái y khí này giống như một người lập thân xử thế vậy.
Nếu không có học vấn thì giống như cây không có gốc rễ, chỉ là trống
rỗng, nghiêng ngã. Nếu kiêu ngạo tự mãn coi thường hết thảy, tự cho mình
là ghê gớm, ở trên tất ả thì người ấy sẽ ngã lộn nhào. Chỉ có khiêm
tốn, không tự mãn thì mới đứng vững trong xã hội” - Ấy là y lời Khổng
Tử.
Tôi đọc cuốn sách “ Trí tuệ Khổng Tử” và rất tâm đắc với bài học
này và cố tìm tài liệu cũng như hình ảnh về cái bình y khí nhưng đều
không có. Mà có lẽ điều đó cũng không quan trọng, điều tôi nhận được
không phải là biết thêm về một cái bình kì lạ mà là những bài học làm
người trong đó. Lời dạy của cổ nhân còn lưu truyền đến hôm nay đã chứng
minh được giá trị lớn lao của nó. Câu nói xúc tích của Khổng Tử cũng
giúp ta có được một bài học quý giá trong việc học tập, tu thân, lập
nghiệp trong xã hội ngày nay.
Thế nhưng, câu chuyện này cũng khiến tôi liên tưởng đến nhiều thứ
khác. Không dám bàn về đạo học, cách đối nhân xử thế như lời tiền nhân
tôi ở đây chỉ nói về những vài khía cạnh trong đời sống thường nhật.
Trong tứ thư của Trung Quốc có bộ Trung Dung nổi tiếng, đây học
thuyết nổi tiếng nói về cách giữ cho ý nghĩa và việc làm luôn ở mức
trung hòa, không thái quá, không bất cập. Có lẽ linh hồn của cái Y khí
này ở đây là vậy. Đối với mọi chuyện nên giữ ở một mức vừa phải, không
thừa không thiếu, không hèn nhát cũng không tự cao, không bất cần cũng
không tham vọng. Thế nhưng mấy ai làm được điều này, đã có thì muốn có
nhiều hơn nữa vốn là bản chất nguyên thủy của con người và rất khó khắc
chế nó nếu không có sự học tập, tôi luyện. Có thể nhiều người cho rằng,
nếu không có tham vọng thì sẽ không đạt được nhiều thứ, xã hội sẽ không
đi lên. Theo tôi, biết rõ bản thân mình, không ngừng trau dồi học hỏi và
biết đủ để đi tiếp mới là một sự phát triển bền vững.
Trong đời sống tinh thần cũng vậy. Một người nếu thiếu thốn tình
yêu sẽ rất khổ tâm và cảm thấy bơ vơ, lạc lõng nhưng nếu yêu thương quá
nhiều cũng rất dễ khiến con tim làm mụ mị lí trí. Sai lầm thật khó
không xảy ra. Nhưng biết thế nào là đủ? Có rất nhiều câu tả lời, mỗi
người sẽ có một đáp án khác nhau. Khi ta cảm thấy thỏa mái, an nhiên ấy
là đủ vậy!
Bạch Liên